Bài 54: NGƯỜI LÀ AI (Lu 9:7-11)
Kinh Thánh Nền Tảng:
Lu 9:7-11, “Bấy giờ, Hêrốt là vua chư hầu, nghe nói về các việc xảy ra, thì không biết nghĩ làm sao; vì kẻ nầy nói rằng: Giăng đã từ kẻ chết sống lại; kẻ khác nói rằng: Êli đã hiện ra; và kẻ khác nữa thì rằng: Một trong các đấng tiên tri đời xưa đã sống lại. Song Hêrốt thì nói: Ta đã truyền chém Giăng rồi: Vậy người nầy là ai, mà ta nghe làm những việc dường ấy? Vua bèn tìm cách thấy Đức Chúa Giêxu
Các sứ đồ trở về trình cùng Đức Chúa Giêxu mọi việc mình đã làm. Ngài bèn đem các sứ đồ đi tẽ ra với mình đến gần thành kia gọi là Bếtsaiđa. Nhưng dân chúng nghe vậy, thì đi theo Ngài. Đức Chúa Giêxu tiếp đãi dân chúng, giảng cho họ về nước Đức Chúa Trời, và chữa cho những kẻ cần được lành bịnh”
Câu hỏi mà Hêrốt nêu ra “người nầy là ai?” là câu hỏi mà chúng ta đặt cho mình hôm nay và là tiến trình để chúng ta đo lường đời sống của chính chúng ta trong công việc của các môn đồ. Đây là câu hỏi quan trọng hơn hết trong tất cả mọi câu hỏi mà mỗi người sanh ra trong thế giới này đều phải trả lời. Kinh Thánh giúp chúng ta có thể hiểu và trả lời được câu hỏi rất quan trọng này bởi vì sự sống chết đời đời tùy thuộc nơi đây. Hôm nay câu hỏi này đến với chúng ta để xác định lại đức tin của chúng ta đồng thời cũng xác định lại chúng ta sống như thế nào với Người này nếu chúng ta biết Người này là ai
Thế giới của chúng ta rất đông nhưng đại đa số đều không biết câu trả lời hay trả lời cách sai trật trong chỗ đứng của mình trong sự liên hệ này. Hội Thánh cũng bắt đầu không còn hỏi câu hỏi này nữa và đời sống cũng rất khó khăn để nối kết định nghĩa rõ ràng với câu trả lời “Người này là ai?” Để trả lời câu hỏi này bài học của chúng ta có 4 phần: Đầu tiên chúng ta phải hiểu tầm quan trọng của câu hỏi. Thứ hai, hiểu hoàn cảnh của câu hỏi. Thứ ba hiểu lý do của câu hỏi và thứ tư, hiểu tiến trình của câu trả lời.
- Hiểu Tầm Quan trọng Của Câu Hỏi
Câu chuyện này mới đọc qua chúng ta thấy rất đơn giản. Đó là vấn đề của chúng ta vì nhiều khi rất đơn giản nên chúng ta đọc luôn. Khi chúng ta học Kinh Thánh thì những chỗ như thế này là những chỗ cần ngừng lại, cần đi chậm, cần xem xét bởi vì Chúa đặt để rất nhiều bài học, nhiều ảnh hưởng, nhiều câu hỏi cho đời sống chúng ta khi đối diện với gương soi của Lời Chúa.
Tôi muốn đặt vấn đề này trong tiến trình trình bày về Chúa Giêxu của Luc, giúp chúng ta nghe, hiểu tầm quan trọng của câu hỏi này với những người chưa bao giờ biết Chúa nhưng đồng thời với Hội Thánh và với chúng ta. Khi câu hỏi này đặt ra chúng ta trả lời liền được nhưng chúng ta có thật trả lời như vậy và sống được với câu hỏi “Tôi trả lời được câu hỏi ‘Người này là ai?’ và đời sống tôi bày tỏ được câu trả lời Người này là ai chưa?”. Kinh Thánh đặc biệt là các sách Phúc âm là để chúng ta phải hiểu câu hỏi “Người này là ai?” và phải hiểu câu trả lời, phải sống trong câu trả lời “Người này là ai?”
Khi Hêrốt nghe nói về các việc xảy ra “Đức Chúa Giêxu nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh. Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh... Vậy, các sứ đồ ra đi, từ làng nầy tới làng kia, rao giảng Tin Lành khắp nơi và chữa lành người có bịnh” thì “Bấy giờ, Hêrốt là vua chư hầu, nghe nói về các việc xảy ra, thì không biết nghĩ làm sao”. Ông hơi khó hiểu nên đặt câu hỏi “Người này là ai?”
Câu hỏi “Người này là ai?” được hỏi đi hỏi lại và chỉ ra cách này cách kia để trả lời nhằm nhấn mạnh rằng câu hỏi này phải được hỏi và mỗi người phải trả lời vì nó sự bày tỏ sự mặc khải của Đức Chúa Trời.
Trong câu chuyện Chúa chữa bịnh cho người bại được 4 người bạn khiêng đến với Chúa và “Đức Chúa Giêxu thấy đức tin của họ, bèn phán rằng: Hỡi người, tội lỗi ngươi đã được tha. Các thầy thông giáo và người Pharisi bèn nghị luận rằng: Người nầy là ai mà nói phạm thượng vậy? Ngoài Đức Chúa Trời, há có ai tha tội được sao?"
Câu hỏi được đặt ra: “Người này là ai?” mà dám tuyên bố rằng mình tha tội? Đây chính là công việc của Đức Chúa Giêxu làm vì chính Chúa làm công việc để người ta phải hỏi và người ta bắt buộc phải trả lời cho câu hỏi “Người này là ai?”. Khi người bịnh bại được đem tới Chúa đụng đến nhu cầu đầu tiên đó là tội lỗi và sự liên hệ với Đức Chúa Trời và khi Chúa thấy đức tin của họ thì Ngài tuyên bố rằng “Tội được tha”. Câu hỏi được đặt ra “Ai mà dám tuyên bố điều đó? Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể tha tội” thì câu trả lời là “Đúng vậy, Đức Chúa Trời là Đấng tha tội”. Câu hỏi này do những người Pharisi, những thầy thông giáo, những người nghị luận bàn với nhau chống nghịch lại với Chúa và họ đã đối diện với câu trả lời của Kinh Thánh “Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời”. Nhưng không phải chỉ những người chống nghịch Chúa mới hỏi mà ngay cả những người tin, những người hầu việc Chúa và những người đi trong tiến trình hầu việc tới lúc cũng phải hỏi như trường hợp của Giăng Báptít.
Trong Luca 7 khi Giăng Báptít đang ở trong ngục, ông đối diện với vấn đề đức tin, ông là tiên tri cuối cùng của Cựu Ước và hình ảnh được mặc khải cho các tiên tri về Đấng Mêsia là hình ảnh của sự đến lần đầu và lần hai cho nên ông hiểu rằng khi Chúa tới phải có sự phán xét và lập nên nước của Ngài. Ông nghe giảng về Tin Lành, ông nghe giảng về nước Đức Chúa Trời nhưng không thấy Chúa phán xét, Chúa giảng về sứ điệp yêu thương, sứ điệp tha tội. Ông không hiểu có đúng là Chúa hay không nên ông sai các môn đồ đến và hỏi rằng “Người này là ai?”
Lu 7:20-23, “Hai người đã đến cùng Đức Chúa Giêxu, thưa rằng: Giăng Báptít sai chúng tôi đến hỏi thầy: Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác? Vả, chính giờ đó, Đức Chúa Giêxu chữa lành nhiều kẻ bịnh, kẻ tàn tật, kẻ mắc quỉ dữ, và làm cho nhiều người đui được sáng. Đoạn, Ngài đáp rằng: Hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: Kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, Tin Lành đã rao giảng cho kẻ nghèo. Phước cho kẻ không vấp phạm vì cớ ta!”
Chúa nói khi hầu việc Chúa chúng ta phải thường xuyên hỏi câu hỏi “Chúa là ai? Người này là ai? Công việc của Chúa như thế nào?” và xác định được trở lại trong sự mặc khải của Kinh Thánh. Hãy về nói với Giăng về những gì Đấng Mêsia đang thực hiện để Giăng Báptít một lần nữa trả lời cho chính mình rằng đây chính là Đấng đã đến. Cho nên đây không phải là câu hỏi hỏi để tìm hiểu nhưng hỏi để sống trong đức tin, sống để phục vụ. Cho nên chúng ta cũng phải thường xuyên hỏi rằng Chúa là ai, Chúa là ai với tôi, Chúa là ai trong lời Kinh Thánh để chúng ta có thể đứng trong sự mặc khải rất mạnh mẽ đó.
Chúa đưa ra một trường hợp để chúng ta thấy rằng khi chúng ta trả lời sai thiếu thì sự liên hệ của chúng ta cũng sai thiếu như vậy. Trong Luca 7 nói về câu chuyện người đàn bà có tội được tha thứ
Có một người Pharisi mời Đức Chúa Giêxu ăn tại nhà mình. .... Vả, có một người đàn bà xấu nết ở thành đó, nghe nói Đức Chúa Giêxu đương ngồi bàn tại nhà người Pharisi, bèn đem đến một bình ngọc trắng đựng đầy dầu thơm. Người đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Giêxu, khóc, sa nước mắt trên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà chùi; lại hôn chân Ngài, và xức dầu thơm cho. Người Pharisi đã mời Ngài, thấy vậy, tự nghĩ rằng: Nếu người nầy là đấng tiên tri, ... Đức Chúa Giêxu bèn cất tiếng phán cùng người rằng: Hỡi Simôn, ta có vài lời nói cùng ngươi”.
Chúa nói với Si môn “Ngươi đã trả lời sai, người đàn bà này đã hỏi và trả lời đúng vì người này đến với ta và biết ta là ai dầu đức tin rất đơn sơ, có thể không biết hết tất cả nhưng bà đến và biết ta là ai còn ngươi hỏi sai và trả lời sai. Hơn nữa khi Chúa tha thứ thì một lần nữa đặt câu hỏi cho tất cả mọi người “Ngài bèn phán cùng người đàn bà rằng: Tội lỗi ngươi đã được tha rồi. Các người ngồi bàn với Ngài nghĩ thầm rằng: Người nầy là ai, mà cũng tha tội? Nhưng Ngài phán cùng người đàn bà rằng: Đức tin của ngươi đã cứu ngươi; hãy đi cho bình an”
Tất cả mọi người trong bàn tiệc đều hỏi “Người này là ai?”. Si môn hỏi “Người này là ai?” thì ông trả lời “may lắm là Đấng tiên tri”. Người đàn bà này đến và tôn thờ Chúa cách kính cẩn như là Đức Chúa Trời thì Chúa nói rằng “Người này trả lới đúng. Si môn, ngươi trả lời sai. Ta vào nhà ngươi nhưng ngươi không biết ta là ai. Ngươi không hôn, không rửa chơn, cũng không đối xử với ta như một người bạn bình thường, ngươi không biết ta là ai”. Và những người ngồi chung quanh bàn cũng không biết Chúa là ai. Người đàn bà này biết Chúa là ai trong kinh nghiệm của đức tin.
Cho nên chúng ta phải trả lời câu hỏi này vì rất dễ ở trong nhà thờ, ngoài nhà thờ nếu không trả lời chính xác người này là ai, Chúa là ai trong sự liên hệ với mình thì có thể như Si môn, chúng ta tưởng rằng mình biết mà không biết, tưởng rằng mình kinh nghiệm mà không có trong khi đó thì sự ban cho được cho ngay người bên cạnh mình khi người đó trả lời rằng Chúa là Con Đức Chúa Trời.
Trong Luca 8 Chúa dẫn các môn đồ tới chỗ bắt buộc họ phải hỏi câu hỏi này khi tàu của họ sắp bị chìm trong cơn bão. Các môn đồ đã đi với Chúa nhiều lần, đã biết công việc của Chúa, đã nghe Chúa giảng nhưng giữa cơn bão thì Chúa ngủ. Khi bão gần chìm thì họ la lên “Thầy ôi, Thầy ôi, chúng ta chết!”. Họ không còn biết Chúa là ai khi thấy Chúa cư xử kỳ quặc và không đúng theo hoàn cảnh “Nhưng Ngài, thức dậy, khiến gió và sóng phải bình tịnh, thì liền bình tịnh và yên lặng như tờ. Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Đức tin các ngươi ở đâu? Môn đồ sợ hãi và bỡ ngỡ, nói với nhau rằng: Người nầy là ai, khiến đến gió và nước, mà cũng phải vâng lời người?” (Lu 8:24-25)
Chúa dẫn các môn đồ đi qua những hoàn cảnh để họ hỏi và được trả lời. Có lẽ đó cũng là kinh nghiệm của chúng ta. Vì nhiều khi chúng ta đang đối diện với hoàn cảnh có hỏi câu hỏi “Người này là ai? Chúa là ai? Giêxu là ai? Tôi tin Chúa như thế nào trong hoàn cảnh này?” Và chúng ta có trả lời với đức tin như các môn đồ đang học tập rằng “Người nầy là ai, khiến đến gió và nước, mà cũng phải vâng lời người?”
Câu hỏi “Người này là ai?” rất quan trọng, rất chính yếu, là trọng tâm của đời sống đức tin. Rõ ràng Chúa đặt điều đó là căn bản của đức tin, là sự xây dựng của Hội Thánh.
Lu 9:18-21, “Một ngày kia, Đức Chúa Giêxu đang cầu nguyện riêng, môn đồ nhóm lại xung quanh Ngài, Ngài hỏi rằng: Trong dân chúng, họ nói ta là ai? Thưa rằng: Người nầy nói là Giăng Báptít, người kia nói là Êli; kẻ khác nói là một trong các đấng tiên tri đời xưa sống lại. Ngài lại hỏi rằng: Còn về phần các ngươi thì nói ta là ai? Phierơ thưa rằng: Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời”
Đây không phải là câu hỏi có biết Chúa Giêxu chưa? Đã tin Chúa Giêxu để được cứu rỗi chưa? Chúa trở lại hỏi rằng “các ngươi nói ta là ai? Đức tin các ngươi đối với ta ở chỗ nào?” thì “Phierơ thưa rằng: Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời”. Và căn bản của Hội Thánh được xây dựng trên chỗ này, căn bản của đức tin là trả lời được câu hỏi “Chúa là ai?”
Câu hỏi này cũng được dùng để phân biệt người thế gian hay người thuộc về Chúa vì đây là điểm xung đột của đức tin. Trong Luca 20 thì những người chống nghịch Chúa hỏi “Người này là ai? Ông là ai? Thầy là ai?
Lu 20:1-2, “Một ngày trong những ngày đó, Đức Chúa Giêxu đương dạy dỗ dân chúng trong đền thờ và rao truyền Tin Lành, thì các Thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, và các trưởng lão đến thình lình, hỏi Ngài như vầy: Hãy nói cho chúng tôi, bởi quyền phép nào mà thầy làm những điều nầy, hay là ai đã ban cho thầy quyền phép ấy?” Thầy là ai? Thầy lấy quyền nào để làm những điều này? Và nó đặt ra vấn đề cho chính họ phải trả lời với Chúa. Cho nên đi tiếp trong sự mặc khải của Lời Kinh Thánh chúng ta thấy cứ vài đoạn thì câu hỏi đó trở lại tới Luca 22 câu trả lời là chắc chắn rõ ràng.
Lu 22:67-71, “Họ hỏi Ngài rằng: Nếu ngươi phải là Đấng Christ, hãy xưng ra cho chúng ta. Ngài đáp rằng: Nếu ta nói, thì các ngươi không tin; nếu ta tra gạn các ngươi, thì các ngươi không trả lời. Nhưng từ nay về sau, Con người sẽ ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời. Ai nấy đều hỏi rằng: Vậy, ngươi là Con Đức Chúa Trời sao? Ngài đáp rằng: Chính các ngươi nói ta là Con Ngài. Họ bèn nói rằng: Chúng ta nào có cần chứng cớ nữa làm chi? Chính chúng ta đã nghe từ miệng nó nói ra rồi”
Họ hỏi tới hỏi lui “Người này là ai?”. Chúa nói “Ta đã nói rồi”. Họ nói “Nói lại cho chắc chắn” Chúa nói “Chính các ngươi nói rõ ràng Ta là Con Đức Chúa Trời”. Câu trả lời rất rõ ràng trong sự liên hệ của Chúa với sự mặc khải của Tin Lành. Ngay cả Philát trước khi đóng đinh Chúa cũng hỏi rằng “Ngươi có phải là vua dân Giu đa không? Người này là ai?” và câu trả lời đó đi xuyên qua tất cả sự liên hệ của Chúa với công việc của Ngài.
Có hai sự chữa lành mà Chúa ban cho trong Giăng 5 và Giăng 9. Đây là hai câu chuyện dài nhưng giữa sự chữa lành của hai người này là câu hỏi rõ ràng “Người này là ai?”. Một người được chữa lành đã không trả lời được và hậu quả cho người đó hoàn toàn khác với người trả lời được câu hỏi “Chúa là ai?”
Trong Giăng 5 người bại đã nằm tại ao Bêtếtđa 38 năm. Chúa đến và hỏi “Ngươi muốn ta chữa lành không? Chúa nói “Hãy đứng dậy vác giường ngươi mà đi”, “Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi. Vả bấy giờ là ngày Sabát”
Người này được Chúa chữa lành. Khi ông vác giường mình đi thì những người Pharisi hỏi rằng “Hôm nay là ngày Sabát tại sao ngươi vác giường mà đi?” thì “Người trả lời rằng: Chính người đã chữa tôi được lành biểu tôi rằng: Hãy vác giường ngươi và đi. Họ hỏi rằng: Người đã biểu ngươi: Hãy vác giường và đi, là ai? Nhưng người đã được chữa lành không biết là ai”
Người này nói “Tôi không biết là ai”. Nếu chúng ta đọc tiếp sự chữa lành này sẽ thấy nó rất đau thương đó là người này sau khi tìm ra Chúa Giêxu thì trở lại méc với những người chống nghịch Chúa rằng “Ông đó chính là người biểu tôi đứng dậy vác giường mà đi vì thế tôi phạm vào ngày Sabát”. Tức là người này hoàn toàn không biết gì về Chú. Dầu đã được Chúa chữa lành nhưng trong con tim, trong sự liên hệ với Chúa vẫn không được Chúa chữa lành, vẫn chết như thường.
Câu chuyện song song tương tự như vậy trong Giăng 9 nói về một người mù từ thuở sanh ra. Người này được Chúa chữa lành, người ta cũng tới hỏi và đem cha mẹ tới để làm áp lực trên người này. Người này lúc đầu không biết gì nhưng họ càng hỏi thì càng muốn tin Chúa, càng binh vực Chúa và nói rằng “Mấy ông cũng muốn tin Chúa hay sao?”
Gi 9:35-37, “Đức Chúa Giêxu nghe họ đã đuổi người ra, và Ngài có gặp người, bèn phán hỏi rằng: Ngươi có tin đến Con Đức Chúa Trời chăng? Người thưa rằng: Thưa Chúa, người là ai, hầu cho tôi tin đến? Đức Chúa Giêxu phán rằng: Ngươi đã thấy người, và ấy là chính người đương nói cùng ngươi. Người thưa rằng: Lạy Chúa, tôi tin; bèn sấp mình xuống trước mặt Ngài"
Và tôi tưởng nếu để hai hình ảnh này song song với nhau chúng ta có thể thấy đó không phải chỉ là kinh nghiệm của hai người này thôi nhưng là của mọi người trong tất cả mọi thời đại đặc biệt là trong Hội Thánh, là những người đã kinh nghiệm được Chúa trong một phương diện, được lãnh hồng ân của Chúa như người bại người mù được Chúa chữa lành nhưng câu hỏi quan trọng không phải là được chữa lành chưa? Đã đi được chưa? Đã thấy được chưa? Câu hỏi rằng “Người này là ai? Người này là ai với ngươi?”. Một người sau khi được chữa lành không trả lời được vẫn đi vào chỗ hư mất. Còn người sau khi được chữa lành hiểu được, trả lời được sẽ đi tới chỗ tôn thờ Chúa, sấp mình xuốn trước mặt Ngài, đi vào sự liên hệ với Chúa. Cho nên câu hỏi này thẩm định tiến trình đức tin, thẩm định giết Chúa, sống cho Chúa và đi con đường trước mặt Ngài. Trong việc rao truyền Tin Lành chúng ta cũng phải làm thế nào để những người nghe cũng phải hỏi câu hỏi “Người này là ai?” và họ cũng đi đến chỗ trả lời “Chúa là Đấng Christ”
Tất cả Kinh Thánh đều nói về câu hỏi này và trả lời câu hỏi này. Câu hỏi này phân biệt ra thiên đàng và địa ngục nếu chúng ta trả lời đúng sai. Câu hỏi này không chỉ cho những người không biết Chúa mà cho những người đang biết Chúa, đang hầu việc Chúa. Cho nên rất đơn giản, hôm nay tôi hỏi câu hỏi này với tất cả chúng ta “Người này là ai?”. Chúng ta thường xuyên trả lời rất nhanh rằng “Chúa là Giêxu Con Đức Chúa Trời, nhưng trả lời như vậy thì nó như thế nào với mỗi chúng ta. Nếu chúng ta trả lời như Thôma “Lạy Chúa, Chúa là Đức Chúa Trời và là Chúa tôi” thì đời sống của ông từ chỗ trả lời đó hoàn toàn khác hơn với đời sống theo Chúa trước đó. Khi Philíp nói “Chúa cho con thấy Đức Chúa Cha thì đủ rồi”, Chúa nói “Ngươi thấy ta là thấy Cha. Khi hiểu điều đó thì hoàn toàn khác hơn
Nếu hôm nay phải trả lời câu hỏi “Người này là ai?” chúng ta trả lời làm sao? Nếu chúng ta mở miệng ra và nói “Chúa là Chúa” thì nguyên chữ đó hoàn toàn thay đổi đời sống chúng ta. Chúa là Đức Chúa Trời thẩm định giá trị sống, mục đích sống, con đường sống chứ không phải chỉ trả lời rồi thôi vì câu hỏi “Người này là ai?” là câu hỏi quan trọng hơn hết mà chúng ta phải hiểu và phải trả lời. Tôi sợ có những người trong chúng ta hôm nay chưa chắc trả lời được câu hỏi “Người này là ai?” và nếu chư trả lời được thì phải trả lời câu hỏi “Người này là ai với anh/chị?” Cõi đời đời nằm ngay trong câu trả lời này và sự hữu hiệu cho Chúa cũng nằm nơi câu trả lời cho câu hỏi đó cho mỗi chúng ta.
- Hiểu Hoàn Cảnh Của Câu Hỏi
“Bấy giờ, Hêrốt là vua chư hầu, nghe nói về các việc xảy ra, thì không biết nghĩ làm sao; vì kẻ nầy nói rằng: Giăng đã từ kẻ chết sống lại; kẻ khác nói rằng: Êli đã hiện ra; và kẻ khác nữa thì rằng: Một trong các đấng tiên tri đời xưa đã sống lại. Song Hêrốt thì nói: Ta đã truyền chém Giăng rồi: Vậy người nầy là ai, mà ta nghe làm những việc dường ấy?”
Các môn đồ được gởi ra đi giảng đạo. Khi nghe sự giảng đạo này thì sự hiểu biết của Hêrốt được bày tỏ ra qua phản ứng của dân chúng trong vùng Galilê. Vì sao? Họ nói người này nói là Giăng, người kia nói là Hêli, người nói là Đấng Tiên tri. Họ trả lời sai hết dầu Chúa Giêxu đã làm công việc của Chúa tại vùng Galilê đã gần một năm. Chính Chúa giảng đạo, chính Chúa làm biết bao nhiêu phép lạ.
Luca là một sử gia rất cẩn thận cho nên ông đã viết ra những mấu chốt thời gian cho chúng ta. “Năm thứ mười lăm đời Sêsa Tiberơ, --- khi Bônxơ Philát làm quan tổng đốc xứ Giuđê, Hêrốt làm vua chư hầu xứ Galilê, Philíp em vua ấy làm vua chư hầu xứ Yturê và tỉnh Tra-cônít, Lysania làm vua chư hầu xứ Abylen, Anne và Caiphe làm thầy cả thượng phẩm, --- thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xachari, ở nơi đồng vắng” (Gi 3:1-2)
Tức là khi Giăng Báptít được sai là năm thứ 15 đời Tiberơ thì Chúa Giêxu làm chức vụ của Chúa khoảng 6 tháng sau khi Giăng Báptít làm chức vụ. Chúa đã làm chức vụ của Chúa được 18 tháng cho nên bắt đầu từ Lu 3:1-9:7 là thời gian khoảng hai năm và Hêrốt vẫn là vua chư hầu. Ông là con của Hêrốt đại đế. Hêrốt đại đế là người rất giỏi, ông lên làm vua năm 40TC. Ông là người lãnh đạo giỏi và rất mưu lược, ông giữ được chức phận tại vùng Paléttin trong khi có nhiểu sự thay đổi trong đế quốc Lamã. Ông cai trị vùng đất rộng bằng vùng đất của Đavít và vua Salômôn ngày xưa. Vùng đất của Đavít và vua Salômôn ngày xưa là thời huy hoàng hơn hết của nước Ysơraên. Nhưng Hêrốt cũng rất gian ác nên ông có rất nhiều kẻ thù, vì sống trong sự nghi ngờ nên ông đã giết các bà vợ cùng năm người con của mình. Ông là người sai quân đi giết các trẻ em tại Bếtlêhem. Khi ông chết Hoàng đế Agúttơ chia đất ra cho ba người con. Người con đầu là .... khi Giôsép từ Aicập trở về và biết người này cai trị thì bỏ đi lên miền Bắc. Ông cũng là người gian ác nên năm thứ 6SC bị Hoàng đế bỏ đi và đem Bônxơphilát vào cai trị xứ Giu đe và xứ Samari. Ông cai trị 10 năm tại đó. Hêrốt Antipa làm vua ở Galilê, ông là người giết Giăng Báptít.
Có ba lần ông liên hệ đến Chúa Giêxu. Lần đầu là khi ông nghe về Chúa và hỏi rằng người này là ai và ông bắt đầu chú ý tới Chúa. Lần thứ hai gặp Chúa ông bày tỏ rằng ông muốn giết Chúa. Đây là điểm chúng ta cần nối kết
Lu 13:31-33, “Cũng trong lúc đó, có mấy người Pharisi đến thưa Ngài rằng: Thầy nên bỏ chỗ nầy mà đi, vì vua Hêrốt muốn giết thầy. Tức họ nói rằng Chúa hãy ra khỏi Galilê nếu không thì Hêrốt sai người giết Chúa thì Ngài đáp rằng: Hãy đi nói với con chồn cáo ấy rằng: Ngày nay, ngày mai, ta đuổi quỉ chữa bịnh, đến ngày thứ ba, thì đời ta sẽ xong rồi. Nhưng ngày nay, ngày mai, và ngày kia ta phải đi, vì không có lẽ một đấng tiên tri phải chết ngoài thành Giêrusalem”. Chúa gọi ông là con cáo già, tức muốn nói ông là người vừa hiểm độc vừa lén lút vừa nhát gan. Chúa hiểu được sự đối nghịch với Chúa từ Hêrốt nhưng Chúa cứ xăm xăm làm công việc của Ngài
Lần thứ ba Chúa gặp Hêrốt lúc Philát xử Chúa Giêxu. Khi nghe Hêrốt xuống thì sai điệu Chúa qua cho Hêrốt xử. Hêrốt hỏi hoài Chúa không trả lời nên ông trả Chúa lại cho Philát và ông trở thành bạn của Philát.
Nói những điều đó để chúng ta hiểu một vài điểm về bối cảnh của công việc mà Chúa và các môn đồ đang làm. Đó là công việc giảng Tin Lành, công việc của nước Chúa luôn luôn có sự chống đối của quyền lực rất lớn trong thế gian. Tại vùng Galilê, Hêrốt Antipa là mạnh và lớn hơn hết. Ông cai trị vùng đó và hầu việc Hoàng đế Lamã Tiberơ và rất được lòng vua. Ông xây nguyên cả thành phố Tibêriát để lấy lòng vua. Ông muốn tìm giết Chúa để chỉnh đốn lại quyền lực của mình. Ông không muốn nghe gì về Chúa, không muốn liên hệ gì với Chúa trừ ra là diệt Chúa đi. Điều này cho chúng ta hiểu rằng khi Chúa sai 12 môn đồ đi rao giảng tại vùng đất Galilê không phải là chỉ đi rao giảng bình thường nhưng rao giảng trong hoàn cảnh bị chống nghịch.
Khi rao giảng đạo Chúa chúng ta thường quên điều này. Chúng ta quên rằng thế giới của chúng ta cũng như thế giới của các môn đồ ngày xưa luôn chống nghịch đạo Tin Lành, chống nghịch lại đạo của Chúa. Chúng ta tưởng rằng Hội Thánh phải có quyền tự do để sống trong đất này nhưng thế giới này sẽ chống nghịch Hội Thánh, chống nghịch Tin Lành của Chúa. Đó là con đường của thế gian. Cho nên sống cho Chúa, sống cho đạo Chúa thì phải biết rằng sống trong sự chống nghịch của thế gian với những quyền năng rất lớn có thể nắm lấy chúng ta bất cứ lúc nào. Thái độ của chúng ta đối với hoàn cảnh như vậy thế nào? “Nói với con cáo già đó ta phải làm cho xong công việc ta, là công việc của Đấng đã sai ta. Ta có công việc trong ngày nay ngày mai ngày kia, ta phải làm cho xong”. Cho nên khi hầu việc Chúa chúng ta phải hiểu điều đó.
Sau khi đã nghe chính Chúa giảng, các môn đồ giảng thì họ không hiểu gì hết, họ không nhận được gì hết. Điểm chúng ta dễ quên trong công việc Chúa đó là chúng ta thường xuyên nghĩ rằng người nghe chúng ta trình bày về đạo Chúa sẽ hiểu được lẽ thật; thật ra họ không thể hiểu được và sẽ không hiểu được. Hội Thánh thường xuyên quên điều đó nên rất dễ dàng để ngã lòng, rất dễ dàng để ngừng lại chỗ mà chúng ta phải tiếp tục vì chúng ta quên rằng người ta không thể nghe được mình
Tôi tưởng chúng ta cần nhắc lại những điều này bởi vì đời sống chúng ta thứ nhất không hỏi câu hỏi quan trọng hơn hết đó là “Người này là ai?” với chính mình và sống cho Chúa; thứ hai khi hầu việc Chúa thì quên đi khía cạnh rất căn bản đó là khi đạo của Chúa được rao ra thì thế gian chẳng thể nghe được
ICo 2:11-13, “Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giãi bày sự thiêng liêng. Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng”
Chúa nói rõ người thế gian, người bình thường nghe cũng hiểu văn phạm hiểu ý nghĩa nhưng không nhận được cho mình, không ảnh hưởng được vì con người tự nhiên không thể nhận lấy được đạo Chúa. Chúng ta nhớ điều đó để sống trong cuộc đời Chúa giao phó vì rất dễ để chúng ta nghĩ rằng nếu mình thuyết phục hơn, nói giỏi hơn, học khóa nào đó để đi ra biết cách nói trên nói dưới nói đầu nói đuôi thì người ta dễ tin hơn. Không. Họ không tin được dầu người ta có thể chặn đầu nói theo vì có một vấn đề rất căn bản ở đây
Mat 16:16-17, “Simôn Phierơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Bấy giờ, Đức Chúa Giêxu phán cùng người rằng: Hỡi Simôn, con Giôna, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy”
Để hiểu câu rất đơn giản “Người này là ai?” và để trả lời rằng “Chúa là Đấng Christ Con Đức Chúa Trời hằng sống” thì Chúa Giêxu nói rằng đây không phải tự mình hiểu được, đây không ra từ con người, không phải do con người mà nhận được nhưng do từ nơi Chúa, do Đức Chúa Cha bày tỏ ra. Chúng ta bắt đầu đi vào chìa khóa của công việc Đức Chúa Trời và sự sống hầu việc Chúa của chúng ta.
Mat 11:25, “Lúc đó”. Lúc đó là lúc Chúa đang quở trách sự không tin của những người đã nghe Chúa. Chúa nói “Khốn nạn cho mầy, thành Côraxin! Khốn nạn cho mầy, thành Bếtsaiđa! Khốn nạn cho mầy thành Cabênaum vì đã từ khước những điều đã được ban cho”. Trong khi người ta từ khước Chúa thì Chúa nói rằng “Lúc đó, Đức Chúa Giêxu nói rằng: Hỡi Cha! Là Chúa của trời đất, tôi khen ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay. Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành. Mọi việc Cha ta đã giao cho ta; ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha” (Mat 11:25-27)
Chỉ có Chúa bày tỏ ra chúng ta mới biết được Đức Chúa Con, trừ ra Đức Chúa Con chỉ ra không ai biết được Đức Chúa Trời. Cho nên sẽ không tùy thuộc bất cứ điều gì nơi tài sức của con người vì đây là công việc của Đức Chúa Trời, chỉ quyền năng của Đức Chúa Trời mới bày tỏ ra. Cho nên sống trong một thế giới mà Hêrốt, rồi Sêsa .... với tất cả những quyền lực chống nghịch trong tay, với những người nghe lẽ đạo mà không hiểu được thì chúng ta làm công việc Chúa như thế nào? Chúng ta làm công việc Chúa với sự hiểu biết chắc chắn rằng Đức Chúa Cha trong thời điểm của Chúa, trong sự vui lòng của Ngài, Ngài sẽ bày tỏ cho những người thuộc về Ngài. Khi hiểu điều đó chúng ta hiểu cách chúng ta làm việc.
Tôi chia sẻ một vài điểm để chúng ta hiểu đây là quyết định hằng ngày của chúng ta khi chúng ta hầu việc Chúa.
Thứ sáu tuần này tôi phải dậy khoảng 3g30 đi thăm viếng tại Phan Rang để tìm anh T. Anh là người Chàm, là một trong 70 anh em tại vùng Phan Rang này. Tôi mới quyết định chuyến đi này vì lần trước khi tôi về vào tháng 10 có ra thăm anh và hẹn anh gặp tôi lúc 12g trưa nhưng tôi bị kẹt tới 5g chiều mới gặp được anh. Khi anh tin Chúa gia đình bỏ anh, vợ bỏ con bỏ, làng đuổi anh đi và anh lang thang sống bờ sống bụi khoảng 3 năm. Bây giờ anh được ngủ trong Hội Thánh, được quyét dọn trong Hội Thánh để hầu việc Chúa. khi anh bắt đầu công việc thì tại đây có 45 người tin Chúa trong tổng số 70.000 người Chàm. Sau một thời gian hầu việc Chúa thì còn lại 7 người. Tôi không biết nói gì ngoài việc cầu nguyện cho anh và tìm cách giúp đỡ anh. Hôm thứ năm tôi đi ngang văn phòng thì có người kêu tôi vào hỏi “Có nghe tin tốt lành về dân Chàm chưa?”. Tôi nói “Chưa”. Ông nói “Có một người ở Texsax viết cho anh cái séc để lo công việc người Chàm” nên chuyến đi kỳ này tôi ra Phan Rí. Ra Phan Rí tôi nói với anh “Anh hãy tiếp tục công việc Chúa đang đặt anh ở giữa vòng người Chàm này. Tôi không biết khi anh tiếp tục thì từ 7 lên 10, 15 hay xuống 5 xuống 4. Tôi chỉ biết rằng công việc của Chúa cho người Chàm vẫn còn. Vì sao? Vì Chúa đặt người của Chúa ở đó, Chúa kêu gọi những người khác để hỗ trợ và làm công việc Chúa chung. Ông bên Taxex không biết gì về anh T., ông chỉ nghe qua tôi nhưng ông nói Chúa đặt vào lòng tôi để giúp cho công việc Chúa tại đây. Tôi không biết nhiều về anh T., tôi chỉ đến để tiếp trợ, khiêng đồ tới. Nhưng chúng ta hiểu một điều là giữa vòng 70 ngàn người Chàm chúng ta không thể nói có thì tôi làm không thì thôi vì không thể nào làm công việc Chúa mà so sánh được như vậy. Chỉ một điều là Chúa sai con dân Chúa ra làm công việc Chúa sai phái. Chúng ta có ngày hôm nay ngày mai ngày mốt những cơ hội trong đời sống để làm cho trọn mục đích đó. Chúa sẽ trong Danh của Ngài, thời điểm của Ngài, cách của người Chúa cứu những người Chàm đó. Đó là sự chắc chắn của chúng ta khi chúng ta đi ra làm công việc, với sự hiểu biết này chúng ta sẽ thành công 100% dù rằng không phải ai nghe chúng ta cũng đều tin Chúa. Chúng ta biết rằng người ta nghe, người ta không tin, người ta không hiểu, người ta chống nghịch từ đầu đến cuối nhưng sẽ thành công vì người nào Chúa cứu Chúa sẽ cứu và khi Chúa cứu Chúa sẽ sai người đến chỗ đó. Như anh T. Chúa đặt anh ở đó lên xuống khó khăn mấy năm và Chúa kêu người này người kia để đứng vào chỗ đó vì công việc Chúa vẫn còn đang tiếp tục nơi bị quên lãng đó. Mười mấy năm làm việc trong Hội Thánh tôi không hề nghĩ đến người Chàm, bây giờ nó thành một phần của tôi, nó thành một phần của Hội Thánh vì Chúa vẫn còn đang muốn cứu những người Chàm mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới.
Cho nên chúng ta hiểu tầm quan trọng của câu hỏi “Người này là ai?”, hỏi cho thế giới, hỏi cho Hội Thánh, hỏi cho cá nhân. Và chúng ta hiểu rằng ở đằng sau câu hỏi này là một thế giới sa đọa chống nghịch với tất cả những quyền lực đi ngược lại để chống nghịch câu hỏi rất quan trọng này để có thể trả lời câu hỏi này. Nhưng chúng ta sẽ nêu câu hỏi “Người này là ai?” ra với quyền năng của Đức Chúa Trời, với sự sai phái của nước Chúa để những người chưa bao giờ hỏi câu hỏi này phải hỏi câu hỏi này và những người chưa bao giờ hiểu câu trả lời phải hiểu để nói rằng “Người này là ai?” với chính họ. Chúng ta không biết họ sẽ trả lời như thế nào vì Cha sẽ mở lòng dẫn họ tới chỗ hiểu biết đó. Nhưng họ sẽ không tới chỗ đó nếu không ai hỏi câu hỏi “Người này là ai?” Vì thế chúng ta phải hiểu lý do của câu hỏi này
- Hiểu Lý Do Của Câu Hỏi
“Bấy giờ, Hêrốt là vua chư hầu, nghe nói về các việc xảy ra”
Làm sao một người như Hêrốt lo chuyện riêng tư của ông, nước của ông, quyền lực của ông bây giờ phải ngừng lại để hỏi chuyện gì xảy ra và “Người này là ai?” Tại sao ông phải hỏi điều đó? Điều gì làm cho ông phải hỏi câu hỏi này? Rất đơn giản vì Đức Chúa Giêxu nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh. Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh... các sứ đồ ra đi, từ làng nầy tới làng kia, rao giảng Tin Lành khắp nơi và chữa lành người có bịnh. Bấy giờ, Hêrốt là vua chư hầu, nghe nói về các việc xảy ra”
Hêrốt sẽ không bao giờ hỏi câu hỏi “Người này là ai?” nếu ông không nghe những chuyện xảy ra. Ông nghe những chuyện đã xảy ra vì có những người đi ra để giảng về nước Đức Chúa Trời, những người đặt câu hỏi rằng “Có biết Đấng Mêsia đã có mặt chưa? Có biết Lời Đức Chúa Trời đang được thành tựu nếu ăn năn vì nước thiên đàng đã gần?”, vì có người nghe, có người được sai phái, có người đi. 12 sứ đồ đi ra giảng Tin Lành vì thế mà những người như Hêrốt phải đặt câu hỏi “Người này là ai?”
Cho nên nếu không có ai đi, không có ai giảng, không có ai nói thì thế giới không ai hỏi “Người này là ai?” và khi họ không hỏi thì họ không thể trả lời, mà họ không thể tể trả lời thì họ không thể sống.
Hêrốt hỏi, “Ta đã truyền chém Giăng rồi: Vậy người nầy là ai?” Đáng lẽ ông hỏi “Mấy ông này là ai?”, “Đám này là ai?” Ông không nói về đám này về những đoàn người mà Chúa gởi đi là những người có thể gây hại đến quyền lợi của ông. Nhưng ông không sợ họ, ông hỏi “Người này là ai?” Vì sao? Vì tất cả những gì các sứ đồ giảng các sứ đồ nói đều nói về một người mà thôi. Cho nên khi người ta nghe các sứ đồ họ không thấy sự khác biệt nào vì tất cả đều tập trung về Chúa Giêxu, nên khi họ nghe sự giảng dạy đó họ chỉ hỏi rằng Chúa Giêxu là ai?
Tại sao Hêrốt phải hỏi “Người này là ai?” vì có người giảng rõ ràng về Chúa Giêxu. Tại sao thế giới chung quanh chúng ta không còn hỏi “Chúa Giêxu là ai?”? vì Hội Thánh không còn nói rõ về Chúa Giêxu, vì Hội Thánh ngay nói nói về 10 cách dạy con, 15 cách nuôi dưỡng gia đình, 7 cách thành công trong hôn nhân và tiền bạc.... Đó là những điều tốt nhưng không thể là điều chính yếu và nó dã trở thành trọng tâm của sự giảng dạy, nó nói về nhu cầu của con người nên cuối cùng thế giới cũng hỏi những câu như vậy và người ta sẽ tìm đủ mọi câu trả lời khác mà không ai hỏi rằng “Chúa Giêxu là ai? Người này là ai? Chuyện sống chết đời đời của tôi sẽ thế nào? Tôi phải đối diện với Người này ra sao?” Vì Hội Thánh không còn đặt câu hỏi đó nên không ai hỏi nữa.
Bạn bè của chúng ta có hỏi chúng ta Chúa là ai không? Tại sao họ ngồi bên cạnh chúng ta biết bao nhiêu năm, ngay cả người trong nhà cũng không ai hỏi rằng “Người này là ai? Tại sao Chúa nhật anh đi nhà thờ từ 9g sáng đến 4g chiều? Điều gì xảy ra nơi đó? Người này là ai?” Nếu họ bắt đầu hỏi những câu hỏi đó thì có thể họ trả lời còn không họ sẽ không biết gì về Chúa Giêxu, không có gì đòi hỏi họ phải ngừng lại như Hêrốt. Hêrốt đang làm chuyện Hêrốt, Hêrốt đang sống trong cung điện của Hêrốt, Hêrốt đang lo cho đại nhu cầu và hệ thống chính trị của Hêrốt. Ông không quan tâm đến những chuyện này nhưng ông phải ngừng lại vì chuyện “Người này là ai?” trở thành chuyện rất quan trọng của ông.
Cho nên chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa sai 12 sứ đồ, Chúa sai Hội Thánh. Những vùng như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An chưa có một nhà thờ nào. Ai ngoài đó sẽ hỏi câu “Người này là ai?” để dân chúng ta có thể trả lời được “Người này là Chúa Giêxu”. Nếu chúng ta không quan tâm để sống với câu hỏi đó cho chính mình thì chúng ta không làm thế nào để người khác quan tâm mà hỏi chúng ta.
“Vua bèn tìm cách thấy Đức Chúa Giêxu”. Vua tìm mọi cách để thấy Chúa Giêxu. Động cơ của Hêrốt là sai trật nhưng bây giờ ông không ngồi yên được nữa, ông phải thấy Chúa Giêxu để hiểu để tìm ra Chúa Giêxu là ai. Và chúng ta có thể nào đứng một chỗ mà nói rằng vì Hội Thánh ở chỗ này, vì công việc của tín đồ mà có những người không thể ngồi yên được mà hỏi rằng phải tìm cho ra Chúa Giêxu. Chúng ta không thể thẩm định được việc họ tin hay không nhưng làm cho họ hỏi là chuyện của chúng ta, làm sao để trong tiến trình đang đi thẳng vào địa ngục của họ họ phải ngừng lại mà hỏi rằng “Tên ông Giêxu này có nghĩa gì với tôi?”. Đó là công việc của chúng ta, là mục đích của đời sống chúng ta, là điều chúng ta được giao phó. Chúng ta không được giao phó chuyện họ lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Chúng ta được giao phó chuyện họ có ngừng lại hay không. Họ ngừng lại hay không là bởi chúng ta có ngừng lại hay không để hỏi câu hỏi “Người này là ai?” với chính mình. Tôi sợ rằng chúng ta chưa ngừng lại để chỉnh đốn câu “Người này là ai?” cho chúng ta, cho Hội Thánh, cho gia đình, và cho tương lai của chúng ta. Khi chúng ta nói “Người này là Chúa Giêxu, Con Đức Chúa Trời, là Chúa là chủ đời sống tôi, là Đấng đã chết hy sinh cho tôi, Ngài hy sinh mạng sống của Ngài để cứu tôi và gọi tôi vào trong chức vụ giảng Tin Lành cho nước Đức Chúa Trời, đặt tôi vào một chỗ sống cho công việc của Cha trên trời”. Khi chúng ta trả lời câu đó sẽ có người đặt câu hỏi “Người này là ai?”